Chị em chúng ta ngày nay hẳn không còn lạ lẫm gì với các dịch vụ như: Lấy chồng Hàn Quốc, lấy chồng đại gia nước ngoài… của các trung tâm môi giới hôn nhân. Cũng chính từ những đường dây đó cộng thêm sự thiếu hiểu biết, không ít cô gái trẻ Việt Nam đã rơi vào ngõ cụt của hôn nhân – hôn nhân không tình yêu và kết quả bi ai.

lấy chồng hàn quốc

Nói như vậy không có nghĩa là tôi đánh đồng tất cả những người phụ nữ lấy chồng nước ngoài. Cũng có người an cư lạc nghiệp, lúc đầu “nhắm mắt đưa chân” nhưng về sau lại có được hạnh phúc viên mãn, nhưng đó chỉ là số ít. Bên cạnh đó, không ít những tình huống “dở khóc dở cười”, những hoàn cảnh éo le, có cả những vụ việc đau lòng đã xảy ra.

Hôn nhân chính là kết quả của tình yêu, là điểm đến cuối cùng cho một sự chia sẻ và thấu hiểu đã chín muồi. Chỉ vì một mục đích, lí do khách quan nào đó, không ít những cô gái “nhẹ dạ cả tin”, chưa kịp tìm hiểu kỹ đã vội vàng bước vào một con đường u ám để rồi không có lối thoát.

Gần đây, trên một trang mạng xã hội có đưa tin về một cô gái Việt lấy chồng Hàn Quốc và sinh được một cô con gái. Cô và chồng đến với nhau nhờ một công ty môi giới hôn nhân, chồng cô tuy đứng tuổi, nhưng anh là một kĩ sư xây dựng thường xuyên phải xa nhà. Mẹ chồng cô thường xuyên ghẻ lạnh, hắt hủi cô và đứa cháu nội của bà. Có những khi cô đang ngồi cho con ăn, bà từ ngoài lao vào tay cầm cán chổi đánh mạnh liên tiếp vào người cô và đứa cháu nhỏ. Mặc cho lời kêu gào và hàng nước mắt dàn dụa của con dâu, mặc cho cháu nội khóc nấc không thành lời, bà vẫn tiếp tục đay nghiến và đánh, kèm theo đó là những lời chửi bới: “Mày lười biếng phải không? Con mày khóc mặc xác con mày, bỏ nó xuống và đi dọn ngay đống bát đĩa và giặt quần áo?” – Mỗi lời bà cụ đay nghiến là một con dao xé nát cõi lòng người con dâu.

Khi có cơ hội được chia sẻ, chị kể lại cuộc sống như địa ngục của mình suốt bốn năm qua. Chồng vắng nhà quanh năm, lúc ốm đau cũng như khi sinh nở, chị cũng chỉ có một mình. Một mình lạc lõng trong nhà chồng với sự đối xử cay nghiệt và ghẻ lạnh của mẹ chồng. Dẫu vậy, chị vẫn luôn hiếu thuận với mẹ chồng, chị không một lời oán trách kêu than. Có trách, chỉ là trách số phận chị hẩm hiu, không may mắn được như bao cô gái khác và trách cả sự vội vàng của chính mình. Chị nói: ”Lấy chồng gần nhà, khi vợ chồng xích mích còn có bố mẹ để tìm về, chứ lấy chồng xa, có buồn tủi mấy cũng phải nghiến răng chấp nhận. Khi bố mẹ gọi điện hỏi thăm cũng chỉ dám khoe cuộc sống của con tốt lắm, ổn lắm… Bố mẹ tuổi cao rồi, không phụng dưỡng được bố mẹ ngày nào, kể ra chỉ khiến bố mẹ thêm đau lòng…”. 

làm dâu xứ lạ

Lấy chồng xa xứ, đồng nghĩa với việc chúng ta chấp nhận sống độc lập và riêng rẽ trong một thế giới khác. Nếu không nhận được sự đồng cảm từ chồng, từ gia đình chồng thì một mình phải chống chọi với nỗi cô đơn và khổ tâm. Là phụ nữ, vốn sinh ra là để yêu thương và được yêu thương, vậy tại sao chúng ta cứ phải đặt cược cuộc đời mình vào một ván bài mang tên “may rủi”?

Nói đến Hàn Quốc, không thể không nói tới sự phát triển và tân tiến, nhưng không thể chỉ dựa vào yếu tố khách quan đó, ta đã có thể khẳng định, cuộc sống ở Hàn Quốc sẽ hiện đại và an nhàn. Tuy là đất nước phát triển hiện đại nhưng trong xã hội vẫn có sự phân biệt tầng lớp và xuất thân khá rõ ràng, chặt chẽ; thậm chí, trong tư tưởng của họ vẫn còn tồn tại ít nhiều quan niệm phong kiến.

Thực tế cho thấy, cuộc sống của số đông những cô gái Việt về làm dâu xứ Kim Chi không hề đẹp và lãng mạn như trong phim ảnh, thậm chí phải là người thực sự kiên trì và nỗ lực mới có thể vượt qua được những rào cản phong tục và ngôn ngữ. Đã có trường hợp con dâu bị đuổi khỏi nhà vì lí do “chống cằm nhìn bố chồng”. Người Hàn thường coi trọng lễ nghĩa và sự phân hóa cấp bậc trong gia đình cũng vô cùng nghiêm khắc.