Người canh giữ “khu rừng tự sát” ở Nhật Bản: Hằng đêm vẫn cất lên tiếng hát để xoa dịu những tâm hồn bị tổn thương

Đăng ngày 05/01/2024

Khu rừng tự sát trong căn chòi ở mép rừng, ông Kyochi Watanabe gảy đàn ghita và hát lên ca khúc “Imagine” của John Lennon. Ông hy vọng giai điệu yên bình cùng lời ca ý nghĩa sẽ có thể ngăn cản những tâm hồn tuyệt vọng tìm đến cái chết.

Khu rừng nơi ông Watanabe canh giữ vốn có tên Aokigahara, mang ý nghĩa “biển cây” (see of trees). Khu rừng cũng được biết đến rầm rộ bằng tên “khu rừng tự sát”. Đặc biệt là sau khi YouTuber Logan Paul người Mỹ quay phim một nạn nhân tự tử ở đây.

Đoạn video ngay lập tức khiến mọi người vô cùng tức giận, đặc biệt là ông Watanabe. Người đàn ông này được sinh ra gần khu rừng. Ông dành hầu hết quãng đời của mình coi sóc nó.

“Đây là khu rừng của tự nhiên, của ý nghĩa thiêng liêng. Nó không phải là khu rừng tự sát”, ông nói. “Tại sao người ta lại gọi nơi này là địa ngục? Thật đau lòng”.

Ông Watanabe nỗ lực hết mình để ngăn cản điều đó. Hằng đêm, ông hát lên những bản nhạc rock hay hip-hop vui tươi để phá đi màn đêm tịch mịch.

Ông tin rằng âm nhạc là liều thuốc có thể len vào sâu tâm trí và chữa lành những vết thương tâm hồn. Thậm chí đôi lần, Watanabe còn trực tiếp khuyên ngăn những người có ý định tự sát. Trong số đó bao gồm một người đàn ông từ Osaka. “Anh ta đã trở về nhà và bây giờ vẫn thường nhắn tin với tôi trên Facebook” – người giữ rừng chia sẻ.

Vì sao Aokigahara lại gắn với tên “khu rừng tự sát”?

Aokigahara có lịch sử bắt nguồn từ giữa thế kỉ 9. Khi núi lửa Phú Sĩ phun trào, dung nham bao phủ xuống miền đất hoang và biến nó thành khu rừng rộng khoảng 30 km vuông.

Người dân cho rằng khu rừng là chốn linh thiêng, ẩn chứa long mạch. Họ bắt đầu thờ phụng. Qua thời gian, cây cối quá phát triển, cành lá đan vào nhau che đi ánh mặt trời. Gốc và rễ cây cũng phình to ra tạo cảm giác rợn người.

Đó là lí do vào thập niên 70, khu rừng bắt đầu được mô tả trong nhiều tiểu thuyết, phim truyền hình như một nơi để tự sát.

Nhưng tiếp theo sau, nhiều người lại tìm đến địa danh này để kết liễu cuộc đời. Điều này biến tình tiết giật gân trong phim truyện thành sự thật tàn khốc. Vài năm gần đây, chính quyền không còn công khai số người tự sát ở đây nữa. Nhưng từng có thời điểm ghi nhận hơn chục người tự tử mỗi năm.

Ngay tại lối vào rừng là bảng thông báo: “Cuộc sống là điều quý giá mà cha mẹ ban cho mỗi người. Hãy bình tĩnh và nghĩ cho bố mẹ, anh chị em hay những đứa trẻ của bạn. Đừng ôm nỗi phiền muộn một mình. Hãy gọi cho chúng tôi”, kèm theo đó là số đường dây nóng.

Ông Watanabe ở mép rừng (ảnh: AFP)

Suốt từ năm 2014 đến nay, tỉnh Yamanashi – nơi tọa lạc khu rừng Aokigahara – là địa phương có tỷ lệ tự sát cao nhất Nhật Bản. Điều đáng nói là gần phân nửa số người tự sát không cư ngụ tại đây. Họ “nghe danh” khu rừng và vượt quãng đường xa để chọn nơi kết liễu cuộc đời mình.

Nhận thấy cái tên “khu rừng tự sát” có thể là nguyên nhân thúc đẩy sự tuyệt vọng, chính quyền trong suốt nhiều năm đã nỗ lực gột rửa danh xưng đó. Mọi việc bắt đầu tiến triển tích cực. Số nạn nhân giảm xuống.

Nhưng đến năm 2017, việc Logan Paul quay phim ở đây có thể ngăn cản mọi bước tiến. Đoạn clip nhận được hơn 6 triệu lượt xem trước khi bị gỡ bỏ. Paul đã phải xin lỗi cho hành vi trái đạo đức của mình.

Nỗ lực không mệt mỏi của người giữ rừng: “Đó là trách nhiệm của tôi”

Ông Watanabe chia sẻ: “Đầu tiên là làn sóng của văn hóa đại chúng vào thập niên 70. Và bây giờ là làn sóng thứ hai đến từ mạng xã hội… Bây giờ, mọi người khắp thế giới đến đây để xem những điều bất thường”.

Đoạn phim của Logan Paul không phải là “con sâu đục khoét” duy nhất ở rừng cây này. Trước đó, năm 2015 từng có hai người đàn ông đến đây và quay trực tiếp cảnh họ tự sát. Điều này, cộng với những đồn thổi giật gân trên Internet, khiến nhiều khách du lịch hiếu kỳ đến và hỏi ông Watanabe rằng “có thể xem xác chết ở đâu”!

Không thể ngờ, sự hiếu kỳ tò mò ấy như một nhát dao đâm vào trái tim người yêu thiên nhiên, yêu mảnh đất quê hương như ông Watanabe. Nghiêm trọng hơn, nó còn là hành động thiếu nhân văn khi ai đó muốn chứng kiến sự tuyệt vọng đến không thể cứu vãn của con người.

Vẫn còn có những du khách hoàn toàn mang ý nghĩ tích cực khi đến thăm rừng Aokigahara (ảnh: AFP)

Nhưng may mắn thay, vẫn còn có những du khách hoàn toàn mang ý nghĩ tích cực khi đến thăm rừng Aokigahara. Cô Lisa Bishop, 33 tuổi đến từ Canada cho biết mình “đến để nhìn thấy những khía cạnh của cuộc sống, tận hưởng cảm giác yên bình dưới rừng cây”. Cô tiếc thương cho những người nghĩ quẩn và lên án hành vi như của Logan Paul.

Chính những sự chia sẻ tích cực như thế giúp ông Watanabe tiếp tục cuộc chiến chống lại “vết nhơ” mà mọi người gán lên cho rừng Aokigahara.

Sẽ còn những khó khăn chồng chất trên hành trình chiến thắng, nhưng Watanabe đã khẳng định rằng: “Tôi được sinh ra ở đây nên phải bảo vệ nơi này. Tôi là người canh gác rừng và đó là trách nhiệm của tôi”.

Năm nay, ông Watanabe đã 60 tuổi và liệu sẽ cất cao tiếng hát được bao lâu nữa? Ai sẽ cùng ông đấu tranh trả lại ý nghĩa nguyên bản cho rừng Aokigahara? Ai sẽ dẫn lối những người muốn tự sát trở về? Liệu đại chúng sẽ càng thêm tò mò và đồn thổi về khu rừng này nữa hay không?

Có quá nhiều câu hỏi để ngỏ, trong khi cuộc sống ngày càng hiện đại và biến đổi. Nhưng nếu bạn cũng muốn góp sức cho những điều tốt đẹp, hãy bắt đầu bằng cách đừng nhắc đến cái tên “khu rừng tự sát” với nỗi hiếu kỳ nữa.

Đó, đơn giản là rừng Aokigahara của tự nhiên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *