Những thất bại thường gặp khi làm sữa chua và cách khắc phục

Đăng ngày 05/01/2024

Làm sữa chua bị nhớt

Đây là sự cố thường xuyên nhất mà chị em gặp phải khi làm sữa chua. Bên ngoài trông có vẻ không hề hấn gì, thậm chí dốc ngược cũng không sao, nhưng khi dùng thìa múc vào bên trong thì phát hiện bị dính như lòng trắng trứng.

Một số nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng này như sau:

Do loại men và hàm lượng protein có trong sữa. Nên dùng sữa có protein cao một chút, hoặc cho thêm chút sữa bột.

Do sữa bị nhiễm khuẩn trong quá trình lên men. Vì vậy, cần giữ gìn vệ sinh môi trường ủ sữa chua, khử trùng hũ đựng sữa.

Ủ quá lâu ở nhiệt độ không ổn định. Hãy duy trì nhiệt độ ủ sữa ở 40 – 44 độ C, ủ trong vòng 6 – 8 tiếng là được.

Men cái chưa hết lạnh.  Hãy để hũ sữa chua cái hết lạnh trước khi cho vào hỗn hợp sữa.

Quá trình ủ bị rung lắc mạnh.  Đảm bảo sữa khi ủ phải được yên lặng, tránh để ở những nơi bị rung lắc.

Men cái với sữa trộn với nhau không đều, chỗ có chỗ không. Hãy khuấy đều hỗn hợp quyện với nhau trước khi phân chia nó vào hũ nhé!

Sữa tươi có lượng kháng sinh cao. Lưu ý chọn sữa tươi có lượng kháng sinh vừa phải.

Sữa chua có vị bột hoặc nhám

Nếu có sử dụng sữa bột, bạn cần đảm bảo sữa bột được quấy tan hoàn toàn trong hỗn hợp sữa lỏn.

Trong quá trình ủ, sữa bị lay động nhiều hoặc lay động mạnh (đôi khi có những nguyên nhân mà người làm có thể không để ý như ủ trong lò và bật đèn để ủ, lò hoạt động gây rung nhẹ bên trong, cũng ảnh hưởng tới độ mịn của sữa).

Hoặc bạn trộn men cái với sữa không đều cũng sẽ dẫn tới tình trạng này.

Sữa và nước bị tách đôi

Đây là hiện tượng khi trên bề mặt sữa có một lớp nước màu vàng nhạt. Thực chất lớp nước này vẫn có thể uống được và không nhất thiết phải đổ đi.

Nguyên nhân có thể do nhiệt độ ủ quá cao khiến hơi nước bốc lên rồi đọng lại tạo thành. Hoặc do có sự xê dịch, lay động trong quá trình đảo, ủ sữa chua.

Do đó, bạn nên lưu ý để sữa chua cố định trong khi ủ, tránh nhấc qua, nhấc lại và theo dõi nhiệt độ.

Sữa không đủ chua

Có 2 nguyên nhân gây ra hiện tượng này:

Một là, thời gian ủ sữa chưa đủ. Thường thì ủ nhanh sữa sẽ ngọt và ủ lâu sữa sẽ chua hơn. Tuy nhiên lâu cũng chỉ ở thời gian khoảng 10 tiếng thôi nhé. Chứ lâu hơn nữa có khi lại phản tác dụng đấy.

Hai là, áp dụng công thức làm sữa chua của những người thích ngọt. Công thức làm sữa chua có nhiều vô cùng, mỗi người có mỗi cách làm khác nhau. Nếu sữa chua bạn làm không chua lắm, mặc dù được ủ thời gian dài thì có thể bạn đã áp dụng công thức của những người yêu thích vị ngọt. Ví dụ đối với công thức thông thường sẽ sử dụng 2 hũ sữa chua cái, nhưng những người thích ngọt họ sẽ tăng thêm lượng sữa đặc và bớt đi 1 hũ sữa chua cái chẳng hạn.

Sữa không đủ ngọt

Sữa chua không đủ ngọt xảy ra bởi 2 nguyên nhân sau đây:

Một, sữa chua ủ quá lâu. Nếu muốn ăn sữa chua ngọt hãy kết thúc thời gian ủ sớm hơn, khoảng 6 tiếng chẳng hạn.

Hai, cho quá nhiều sữa chua cái và ít sữa đặc. Vậy muốn ngọt hãy tăng lượng sữa đặc hoặc cho thêm đường vào. Mình ủng hộ cách tăng sữa đặc vì nó giúp tăng cả lượng protein có trong sữa, giúp sữa chua có được độ đông đặc và mịn tuyệt vời hơn.

Sữa chua không đông

Sữa chua không đông có thể do những nguyên nhân sau đây:

Do chất lượng men không tốt, men cũ, có ít vi khuẩn hoặc vi khuẩn men yếu.

Do sữa có lượng kháng sinh cao ảnh hưởng đến men.

Do nhiệt độ sữa hoặc nhiệt độ ủ quá cao khiến vi khuẩn lên men bị chết hết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *